Ba năm trước, Nguyễn Việt Anh, sinh năm 1992, xin xuất ngũ, rời khỏi ngành công an về quê ở xã Ea Tul, huyện Cư M'gar để phụ ba làm nước súc miệng cai thuốc lá.
Những ngày lễ 8/3, 20/10 hay sinh nhật mẹ, anh đều mua tặng vài cây hoa hồng vì bà thích. Sau một năm, mẹ anh có một vườn hồng nhỏ rất đẹp. Nhiều người đi qua hỏi mua.
Ý tưởng kinh doanh hồng cây bắt đầu nhen nhóm trong đầu chàng trai trẻ.
Kinh nghiệm về giống cây được mệnh danh là 'bà hoàng của các loài hoa" chỉ là con số không, Việt Anh nghỉ làm, rong ruổi khắp các tỉnh thành trong Nam, ngoài Bắc xin học hỏi. Có chút kiến thức, anh về bán chiếc ô tô rồi vay mượn thêm 800 triệu, quyết làm ăn lớn.
Giữa năm 2018, khoảng 300 cây hồng giống đầu tiên được nhập về, chủ yếu mua ở các tỉnh phía Bắc vì hoa to đẹp. Cây được tập kết rồi trồng trên mảnh đất đi thuê, rộng 3.000 m2 trong một khu công nghiệp. Học theo các chủ vườn khác, việc tưới tắm, bón phân… được Việt Anh làm theo đúng quy trình.
Nhưng cú "vấp ngã" đầu tiên cũng sớm đến với chàng trai trẻ. Khí hậu Đăk Lăk chỉ có hai mùa mưa nắng. Mùa mưa rất dài, nắng lại khô hạn, khác xa thời tiết miền Bắc. Dù đã tìm hiểu kỹ thuật cũng như cách chăm bón từng loại khác nhau, nhưng nhiều cây mang về trồng hoa nhỏ ít cánh, màu nhạt và hay bị bệnh. Mùa mưa, cây bị nấm bệnh, chết hàng loạt. Lần đầu, Việt Anh lỗ vài trăm triệu.
Tiền mất, chàng trai này lại lùng sục các hội nhóm chơi hoa để học hỏi bí quyết. Mỗi ngày anh chôn chân ngoài vườn từ 6h cho đến 21h, hết tưới nước, tỉa cảnh, theo dõi sâu bệnh. Anh còn tự học cách ủ phân hữu cơ từ đậu tương hay phân chuồng từ phế thải của bò, gà, dê.
Những ngày mưa, lo hoa hồng chết vì ngập nước, đêm hôm Việt Anh khoác áo mưa đi đục lỗ thoát nước rồi chằng buộc những cây to, tránh ngã đổ.
Ngày nào cũng làm việc liên tục mười mấy tiếng mỗi ngày, có lúc quá mệt, anh lăn ra ngủ giữa vườn. Kết quả sau 6 tháng, từ chàng trai trắng trẻo, mặt búng ra sữa, Việt Anh sụt mất 5kg, tay chân chi chít sẹo và đen nhẻm.
Sự kiên trì và kiến thức đã được đền đáp. Sau nhiều tháng, những bụi hồng hết sâu bệnh và ra bông đậm màu, nhiều cánh như mong muốn. Đất trồng cũng tơi xốp, nấm bệnh cũng dần thuyên giảm.
Nhưng đó không phải là khó khăn duy nhất. Vì khu vườn nằm ở vị trí ít người qua lại, mỗi tuần chỉ bán được vài cây trong khi tiền nhân công, phân, thuốc, điện nước ngốn 20 triệu đồng mỗi tháng. Nửa năm đầu, tháng nào cũng lỗ từ 20-30 triệu đồng.
Việt Anh vay thêm tiền, thuê mảnh đất mới gần mặt đường, mang cả vườn hồng ra đó bán. Hồng đẹp bắt mắt, người qua lại đông, tháng đầu tiên đã có sự chuyển biến. Từ tháng thứ 7 trở đi, số cây bán được tăng từ vài chục lên hàng trăm. Mỗi tháng Việt Anh thu về từ 50-60 triệu, đủ trang trải cho trang trại của mình. Vốn được xoay vòng cũng giúp số cây trong vườn ngày càng nhiều.
Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột gần 7 km, trang trại của Việt Anh hiện được đánh giá là một trong những vườn hồng lớn nhất tỉnh.
Hơn hai năm gầy dựng, trang trại đã có 300 giống hoa với hơn 10.000 gốc dạng thân gỗ, cây bụi và dây leo gồm cả hồng nội và ngoại. Hồng có mức giá dao động từ vài chục nghìn đồng đến những gốc hồng cổ tuổi thọ hàng chục năm có giá hàng trăm triệu đồng.
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Đăk Lăk, những tháng cao điểm khu vườn này mang lại doanh thu 400 triệu một tháng, tạo việc làm cho 10 lao động.
Khách mua cây ở trang trại, nếu chết được đổi, hoa nở không đẹp có nhân viên tới tận nhà hướng dẫn hoặc mang cây tới vườn chăm hộ. Khách ở xa được hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm bón. Sau một thời gian, lượng khách đến vườn ngày càng đông, không chỉ ở Đăk Lăk.
Đầu năm 2021, để tăng thêm thu nhập, Việt Anh còn triển khai thêm tour tham gia trải nghiệm tại vườn trên diện tích 18.000m2. Không nhờ kiến trúc sư, cũng không cần vẽ bản vẽ, tất cả ý tưởng thiết kế khu vườn đều do anh vẽ lên trong đầu theo ý thích của bản thân.
Dự tính của chàng trai là nhập thêm nhiều cây để biến trang trại thành vườn hồng lớn nhất Tây Nguyên. Nhưng chưa kịp hoàn thành thì Covid-19 ập đến. Vài tháng nay, dù kinh doanh bị đình trệ, doanh thu giảm quá nửa, nhưng Việt Anh vẫn xoay xở trả đủ lương cho người làm. Anh tin, mình đủ sức cầm cự. Những ngày dịch bệnh, chàng trai này cảm thấy làm vườn là một hoạt động thư giãn, có tác dụng chữa lành thể chất lẫn tinh thần rất tốt.
Hàng ngày, thức dậy lúc 6h, việc đầu tiên Việt Anh làm là chụp ảnh và ghi lại những thay đổi của khu vườn. Sau khi ăn bữa sáng đơn giản, anh bắt đầu chăm cây, tưới nước, cắt tỉa, trồng hoa... Trưa đến tư vấn khách hàng, chiều lại khoác bộ quần áo bảo hộ đi dọc trên con đường đất đầy nắng trong vườn, cuốc đất, bón phân. Anh thường quên ăn, có hôm ở lại vườn đến tối, thậm chí đến khuya mới về.
Trong mắt nhiều người, cách làm của chàng trai này không khác gì một “kẻ điên”, nhưng anh lại không hề cảm thấy như vậy. "Hoa lá trong vườn giống như con tôi vậy, đi xa rất nhớ. Bởi vậy tôi thường tranh thủ ra ngoài lúc trời mưa, còn trời nắng đẹp tôi thường ở vườn cả ngày", anh nói.